Thịt ba chỉ, cũng gọi là thịt "nầm". Thứ thịt của bụng lợn, bụng lợn có hai hàng vú nên được gọi là "nầm", có nghĩa đó là thịt của phần nầm sữa lợn. Mặc dù những con lợn đực chẳng có nầm sữa bao giờ, nhưng phần bụng ấy người quê vẫn gọi là thịt "nầm"? Hẳn là vậy.
Cách chế biến như sau: Thịt ba chỉ pha thành từng thỏi nhỏ, để dài. Chiều ngang thỏi thịt to bằng ba ngón tay, khoảng 6 phân, chiều dài có thể dài bằng hết chiều dài của miếng thịt ba chỉ, tuỳ theo độ dài, vài ba chục phân càng tốt. Ðương nhiên là thịt đã làm thật sạch lông, cạo, rửa hết những tạp chất bám trên da lợn. Thịt pha thành từng thỏi rồi đem ướp mì chính, húng lìu. Húng lìu có thể làm lấy càng ngon. Húng lìu chế thành bột gồm 3 thứ: hạt cây húng dổi (còn gọi là hạt é), quế chi, hoa hồi; 3 thứ này đem rang vàng từng thứ rồi trộn lẫn với nhau đem tán thành bột. Thế là ta đã có một thứ gia vị tuyệt vời. Bột húng này đem sát với thỏi thịt cùng mỳ chính. Ðể ướp trong vòng 15 phút cho gia vị ngấm vào thịt. Sau đó lấy lạt giang nối vào nhau, quấn xung quanh thỏi thịt. Nhớ khi cuốn phải lộn lần thịt ra ngoài, bì thịt ba chỉ quấn vào lần trong. Quấn chặt. Khoảng cách giữa các lạt quấn cách nhau chừng 1cm. Quấn suốt từ đầu thỏi thịt cho đến cuối. Nếu lạt giang không đủ thì lại nối thêm, sao cho nuộc lạt kín hết thịt.
Xếp thịt vào xoong, xếp cuốn tròn lần lượt. Chọn loại xoong phù hợp với số thịt đã có. Sau đó lấy khoảng một thìa canh đường, sao đường cho chớm chảy thành màu nâu cánh gián. Ðường bốc khói, đổ một chén nước vào. Ta có một thứ nước hàng thơm ngọt. Nước hàng đem tưới lên xoong thịt. Cứ khoảng một cân thịt ba chỉ thì cho độ một chén hoa hồng nước mắm. Cuối cùng, lấy lá chuối hơ nóng cho lá chuối dẻo, mềm, không rách. Lá chuối bịt lên miệng xoong, bịt căng như mặt trống, tránh để rách, bịt thật kín. Lấy dây buộc chặt lá chuối vòng quanh thành mép của xoong. (Theo VOV)