Sông Thu Bồn dài tới 200 cây số, nhưng chẳng hiểu vì sao, cá mòi lại tập trung nhiều nhất ở đoạn sông chảy qua hai xã Duy Tân (Duy Xuyên) và Đại Thắng (Đại Lộc), đặc biệt là tụ về rất đông ở khu vực làng Thu Bồn (Duy Tân). Ở đây có chợ Thu Bồn, lăng bà Thu Bồn và nằm sát bên sông Thu Bồn. Gia đình các ông Trần Phu, Trần Quảng, Nguyễn Cúc và một vài hộ khác ở làng Thu Bồn đã tổ chức đơm đó, đặt nò để bắt cá, dụ cá. Những lúc được mùa, có ngày đánh bắt vài trăm ký cá mòi, bán không hết, phải làm mắm, hoặc phơi khô để ăn và bán cho bà con những ngày đông giá. Nhóm những món ăn từ cá mòi sông Thu Bồn khá phong phú và riêng có của làng mang tên Thu Bồn như: mì Quảng nhân cá mòi, chả cá mòi chiên, ram cá mòi, gỏi cá mòi.
Cá mòi sông hơi giống cá trích biển, nhưng trắng hơn, lớn bằng 2 – 3 ngón tay. Cá mòi vừa đánh, bắt từ sông lên, thân còn quẫy, da còn tươi rói, miệng còn ngáp ngáp được rửa sạch, khứa ngang nhiều vết trên thân đem chiên giòn, hoặc bỏ vào máy xay nhuyễn để làm chả cá. Trong nồi nhưn của mì Quảng, ngoài các món phụ như thịt heo ba chỉ, tôm sông, có món cá mòi um, chả cá mòi chiên dậy mùi, bùi, béo ngậy. Món mì Quảng cá mòi sẽ ngon hơn nữa nếu có chiếc bánh tráng gạo mè giòn tan và món rau xanh có nhiều bắp chuối cộng thêm trái ớt xanh cắn phụp một phát giòn rụm. Riêng cánh nhậu, nhiều người mê món gỏi cá mòi, ram cá mòi nhấm nháp với rượu gạo quê chính hiệu.
Món cháo cá mòi, nửa khuya, khi bà con thức chăn tằm, hoặc đi giao lưu hò khoan đối đáp về đói bụng, không gì bằng hớp một bát cháo cá mòi sông Thu Bồn, mồ hôi túa ra, ngả mình đánh một giấc để sớm mai đi làm đồng.
Bài và ảnh: Lê Anh Dũng, SGTT