Tìm thầy, học nghề
Tốt nghiệp THPT, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên Khương không thi vào Đại học mà quyết định nộp hồ sơ vào học Trường Trung cấp kế toán tại Đà Nẵng để mong kiếm được một công việc phù hợp khi ra trường. Ra trường, công việc, lương bổng bấp bênh ở một cơ sở chế biến gỗ đã làm anh nản lòng. Sau 3 năm làm kế toán, anh xin thôi việc để chuẩn bị kiếm một công việc khác.
|
Một góc trang trại dế của Khương |
|
Dế đến tuổi xuất bán |
Thời gian nghỉ việc ở nhà, những lần xem ti vi thấy nhiều nơi người ta nuôi nhím khá thành công và cho thu nhập ổn định. Ý tưởng thành lập trang nuôi nhím được anh nung nấu sau khi anh được đi tham quan các mô hình trang trại nuôi nhím đã thuần chủng ở huyện Vĩnh Linh. Trở về nhà Khương quyết định vay vốn đầu tư chuồng trại và nuôi gần chục cặp nhím thử nghiệm.
Nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn, kế hoạch của Khương đã thất bại cũng bởi lý do người ta nuôi nhím đã thuần chủng chứ trang trại của anh nuôi nhím rừng, điều kiện thích nghi của loài vật này rất kém. Sau 8 tháng nuôi anh đành chịu lỗ 5 triệu đồng. Không nản chí, Khương vẫn miệt mài tìm một phương thức kinh doanh mới. Trong một lần tình cờ lên mạng, Khương đọc những bài viết về các ông chủ trang trại nuôi dế rất thành công ở Tp. Hồ Chí Minh.
Ý tưởng nuôi dế chợt loé lên trong đầu chàng trai trẻ. Khương kể lại: “Mình đã say sưa đọc hàng chục trang tài liệu và bài viết về những ông “vua dế” và kỹ thật nuôi dế. Mình biết rằng đây là mô hình rất mới lạ không chỉ ở thị trấn vùng biên này mà còn ở tỉnh Quảng Trị. Chỉ cần nuôi dế, sơ chế xuất cho mấy nhà hàng ở hai thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh là được”. Trở về nhà, anh lên kế hoạch rồi quyết định khăn gói vào Tp.Hồ Chí Minh học nghề.
Địa chỉ đầu tiên anh tìm đến là trang trại dế của anh Lê Thanh Tùng ở miệt vườn huyện Củ Chi. Hằng ngày, anh phải cọc cạch trên chiếc xe đạp vượt hơn 5 km đường nhựa mới đến được trang trại của “vua dế” Lê Thanh Tùng. Đến đây, anh miệt mài ghi chép về cách nhân giống, kỹ thuật nuôi, vệ sinh trại dế...Sau hơn hai tháng chăm chỉ học hỏi anh lại tìm đến trang trại nuôi dế của anh Nguyên Vũ học nghề hơn một tháng nữa mới trở về Lao Bảo.
Sau 3 tháng học nghề, cuốn sổ của Khương đã chi chít những dòng chữ. Đó là những kinh nghiệm quý báu để anh thành lập trang trại dế sau này. Khương tâm sự: “Lúc đầu mới thành lập trang trại dế mình chỉ có ý định là nhân giống trước rồi mới tính đến chuyện xuất bán. Vậy mà càng nuôi mình càng thấy thích thú nên không ngần ngại đầu tư thêm trang thiết bị.” Hiện nay, số lượng dế nuôi trong trang trại Khương đã lên đến hàng trăm thùng. Con dế từ trang trại nuôi của Khương giờ đã vươn sang thị trường Lào cũng như xuất bán cho cư dân dọc biên giới Việt- Lào.
Thương hiệu... dế Lao Bảo?
Nếu đến Lao Bảo trước đây, hỏi về nghề săn dế ở bản Ka Tăng nhiều người biết như thế nào thì bây giờ đến thôn Cao Việt hỏi nhà Khương "dế” thì nhiều người cũng biết như thế. Bởi lẽ, suốt chiều dài hàng chục kilômét vùng biên, đây là trang trại đầu tiên với mô hình con nuôi mới lạ. Sau nhiều tháng "tầm sư học đạo", vào tháng 6/2008 Khương trở về Lao Bảo bắt tay ngay vào việc xây dựng trang trại. Quỹ đất không có nhiều, anh phải tận dụng gần hết phần đất vườn xung quanh nhà mình để làm trang trại.
Sau hai tháng mày mò xây dựng, anh đầu tư thí điểm gần 150 thùng xốp (mút) và két giấy để nuôi dế. Khương cho biết: Nhiều người nuôi dế sử dụng thau chậu hay can nhựa rất tốn kém (giá mỗi cạn nhựa từ 30-40 nghìn đồng/chiếc). Với số vốn ít ỏi anh phải tính sao cho vừa đủ tiền mua giống, vừa đủ tiền xây dựng trang trại. Anh đã tận dụng hộp két giấy, thùng xốp với giá rất rẻ từ 2- nghìn đồng/cái. Vả lại, thùng xốp có khả năng giữ nhiệt rất tốt, giúp dế sinh sản nhanh hơn.
Với giá dế giống đặt mua tại Tp.Hồ Chí minh là 50.000 đồng/khay, sau hai tháng nuôi cứ bình quân 4 thùng xốp (mỗi thùng 0,6 m2) anh cho xuất từ 1-1,5 kg dế. Dế ta có đặc tính béo, thơm ngon cứ mỗi kg Khương “bỏ ngang” cho các khách sạn, nhà hàng với giá từ 200-250 nghìn đồng. Bình quân mỗi tháng anh thu được từ 6 - 8 triệu đồng. Nói về kỹ thuật ghép giống, Khương chia sẻ: “Khi đến tuổi sinh sản (cánh dế đủ dài) thì tiến hành ghép với tỷ lệ cứ 2 con dế cái với 1 con dế đực. Trứng dế vào mùa mưa (lạnh) cần phải có thêm bóng đèn cung cấp nhiệt độ. Cứ 8-10 ngày ấp thì sẽ nở con!”. Thức ăn cho dế chủ yếu là rau cỏ trong vườn và bột cò nên giảm chi phí đầu vào, giúp nhiều người có thể tiếp cận được với loại vật nuôi mới này với giá khá rẻ.
Nhân được dế giống rồi anh nghĩ đến chuyện xuất bán. Buổi đầu đi chào hàng cũng không ít những khó khăn. "Những ngày đầu tiên, do chưa có một nhà hàng nào ở Lao Bảo hay Khe Sanh biết sử dụng món ăn làm từ dế nên rất gian nan. Thế là mình cố thuyết phục rồi “bán trước lấy tiền sau”, nếu chế biến không ngon sẽ không lấy tiền.
Bên cạnh đó, mình còn bỏ công đi “tư vấn” cách chế biến các món ăn từ dế cho các nhà hàng và khách sạn trên địa bàn thị trấn. Bây giờ thì nhiều nhà hàng như nhà hàng Xuyên Việt hay khách sạn Bảo Ninh đã quen dần với món ăn này.
Với các món ăn phong phú được chế biến từ dế như dế chiên giòn, chiên bột, xào lăn, rang mặn, kho tiêu đã hút được khách. Đặc biệt 2 món dế mới là dế nấu lẩu và dế kẹp thịt ba chỉ không chỉ chinh phục được thực khách ở thị trấn mà con vươn sang thị trường nước bạn Lào. Mình rất vui vì bước đầu con dế đã mang lại thành công", Khương vui vẻ cho biết thêm.
Đầu ra ổn định, Khương bắt đầu tính đến chuyện đầu tư thêm trang thiết bị cho chuồng trại, tăng số lượng, đa dạng thêm nhiều giống dế mới như giống dế cơm, dế mèn, dế chũi... để làm ăn lâu dài.
Số dế mà Khương xuất bán chủ yếu là dế tươi, chưa qua sơ chế nên giá chưa cao lắm. Dự định của anh là đầu tư công nghệ để sơ chế, xuất trực tiếp cho các nhà hàng và tạo nên một thương hiệu các món ăn chế biến từ dế ở thị trấn Lao Bảo. Nói về những dự định trong tương lai, Khương vui vẻ cho biết: “Mình chỉ có ước muốn là nhân rộng mô hình nuôi dế từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên của thị trấn Lao Bảo và Khe Sanh cũng như xây dựng thương hiệu dế Lao Bảo trong tương lai”