Qua mùa nắng hạn, loại nấm mối đặc sản của Nam bộ có dịp tái ngộ dân sành ăn. “Thịt” nấm mối tươi giòn, ngọt đậm và thanh hơn thịt gà vườn hay bò tơ, có mùi thơm đặc trưng hơn cả nấm hương.
Mê mẩn nấm mối nướng muối ớt
Mùa mưa năm nay ở Nam bộ đến chậm hơn khoảng một tháng so với năm ngoái, nên đám nấm mối cũng xuất hiện chậm hơn. Tuy nhiên chị Lê Vân, một đồng nghiệp ở xã Phú Điền, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cho biết, gần hai tháng trước, sau vài cơn “mưa lạc” dân quê chị đã may mắn được thưởng thức những tay nấm mối đầu mùa thơm ngọt trinh nguyên. Mùa nấm mối ở quê chị Vân kéo dài đến nay và chưa biết kết thúc khi nào, vì nấm mối như lộc của trời và đất.
Anh Hiếu, chủ một nhà hàng ở Q.7, TP.HCM, cách 1 - 2 ngày là thu mua khoảng 200kg nấm mối Long Khánh, Đồng Nai. Anh Hiếu bảo rằng, giống nấm mối rất lạ, đã bị ép trong bọc hút chân không và nằm trong tủ mát nhưng qua đêm vẫn nở “tè le”, bớt giòn và lạt hơn lúc còn tươi. Giá một ký nấm mối đã thành món tại nhà hàng anh Hiếu không rẻ: khoảng 360.000 đồng/kg. Song vẫn có nhiều người ăn, vì nấm mối “quá ngon” và có mùa.
Tuy nhiên dân sành nấm mối Nam bộ đã phân định rằng, hương vị nấm mối miền Tây đặc sắc hơn nấm mối miền Đông. Anh Quốc Việt, chủ một quán ăn ở P.3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nói: “Nấm mối miền Đông vị hơi chát, không ngọt bằng nấm mối Bến Tre, Vĩnh Long... Nấm mối Đồng Nai thường lớn gần gấp đôi nấm mối vườn Cửu Long, phủ trên mình một màu nâu đỏ đất bazan. Còn nấm mối miền Tây “khoác áo” màu xám bùn của đất phù sa”.
Được biết, nấm mối miền Đông đã có mặt ở chợ Thạnh Trị, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang giá khoảng 170.000 đồng/kg, nhưng bị dân sành ăn ở đây... chê. Cũng theo anh Quốc Việt, hiện giờ đã xuất hiện nấm mối Bến Tre, Vĩnh Long, nhưng số lượng chưa nhiều. Cứ khoảng 2 - 3 ngày, những tiểu thương chuyên thu mua nấm mối ở đây mang giao cho quán anh khoảng 5 - 6kg, với giá 300.000 đồng/kg. Anh Việt còn cho biết hiện lượng nấm mối ở đây vẫn chưa ra chợ, vì không đủ cung cấp cho những nhà hàng, quán ăn lớn.
“Mẹ” của nấm mối là đám mối chuyên đục khoét, sống trong những góc vườn cà phê, điều, dừa... Hằng năm, ở miền Nam, khoảng từ giữa tháng năm đến đầu tháng chín âm lịch, lũ mối tiết ra một loại meo (men vi sinh), gặp thời tiết thuận lợi, lớp meo này sẽ nở thành những cây nấm mối thơm, giòn, ngọt mê mẩn.
Nấm mối miền Đông
Với kinh nghiệm tám năm làm lái nấm mối, anh Nguyễn Thanh Đạm, ở thị xã Bến Tre, có thể đoán được thời điểm nấm mối mọc nhiều ở quê anh. Cụ thể, khi trời nắng hanh vài hôm rồi mưa “chan chan” thì nấm mối sẽ mọc nhiều hơn. Đồng thời, phải gặp tiết trời lành lạnh, do hơi gió thổi riu riu của những ngày con nước rong (nước lớn ở sông dâng tràn bờ) “quạt” cho mặt đất thêm ẩm thì mới chắc ăn có nấm mối. Theo đó, con nước rong cuối tháng thường “nở” nấm mối nhiều hơn đợt giữa tháng (theo nhịp độ thủy triều, một tháng có hai con nước rong: ngày rằm và 30 âm lịch).
Nấm mối tươi mơn mởn, vừa búp đầu (ngòi viết) đem làm món gì cũng ngon. Và những đầu bếp giàu kinh nghiệm miệt vườn khuyên rằng, với sản vật trời ban này, bạn giảm càng ít gia vị thì càng ngon chân nguyên. Nếu có gia vị, thì chỉ cần ít muối, ít ớt hiểm và ít dầu mè là đủ.
Những món ngon được chế biến từ nấm mối có thể kể đến như: hấp cơm với vị ngọt thơm nức mũi! Ướp muối ớt rồi gói 4 - 5 lớp lá chuối tươi đem nướng trên lửa than nóng vừa khoảng 30 phút. Khi đó, tinh dầu trong lá chuối sẽ rút ngược vào thân nấm và tỏa một mùi thơm thanh nồng đặc trưng, tựa như mùi khói đốt đồng. Nhờ vậy, “thịt” nấm thêm ngọt đậm đến ngất ngây thần khẩu.
Đang mùa World Cup, nhiều quý ông thao thức, thấp thỏm với kèo trên hoặc kèo dưới, thử tìm húp một tô cháo nấm mối đậu xanh thanh mát, thơm nức mũi, khói tỏa như sương sớm, sẽ thấy người hưng phấn hơn.