Mỗi vùng miền đều có những đặc sản đại diện cho quê hương và con người nơi đó. Thanh hóa có Nem chua, Lục Ngạn Bắc Giang có vải Thiều, Thái Bình có Bánh cáy…và khi nhắc đến Hưng Yên thì ai cũng nhớ đến một sản vật có một không hai với cái tên đầy trân trọng “Nhãn lồng”.
Khắp 3 miền đất nước, đâu đâu cũng có nhãn, bởi đây là thứ cây thân thuộc không thể thiếu trong góc vườn của mọi gia đình. Tuy nhiên, chỉ nhãn cùi, nhãn lồng, nhãn Hương Chi, nhãn đường phèn, nhãn nước, nhãn thóc mới có ở các vườn nhãn Hưng Yên. Mảnh đất được phù sa của sông Hồng nâng niu, bồi đắp để cây nhãn dâng tặng cho đời thứ quả thơm thảo.
Mùa xuân, cây nhãn ra hoa trong tiết trời se lạnh và mưa nhẹ. Bóng những tán cây xum xuê và hương thơm của hoa tỏa nhẹ, thơm mát, đâu đó dậy lên tiếng ong rủ nhau đi hút mật..
Đến mùa quả chín, cây nhãn nhuộm một màu vàng như màu nắng, át cả màu xanh của lá, cho những trái nhãn thơm ngon trĩu cành. Những khuôn mặt ngời ngời hạnh phúc khi được tự tay thu hoạch những chùm quả chín đầu cành. Những dòng người nơi xa, người mua kẻ bán tấp nập đổ về Hưng Yên để mua Nhãn lồng, đông đúc, chật kín cả đường.
Vào mùa nhãn, đi trên những con đường hay những khu vườn của Hưng Yên, khẽ khàng chạm tay vào những chùm nhãn bóng mịn, trĩu nặng mà thấy lòng tự hào với cái tên gọi “vương quốc Nhãn lồng”. Ở vương quốc nhãn này, người dân cậy nhờ vào thứ cây đặc sản để khẳng định tên tuổi, thương hiệu của mình khắp nơi nơi.
Nguồn ảnh: sovhttdlhungyen.gov
Những quả nhãn căng mọng, hương thơm dịu nhẹ như mời gọi các du khách thưởng thức. Nhãn lồng Hưng Yên quả to, tròn, da trơn bóng một màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước. Bóc một lớp vỏ mỏng láng, để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà hấp dẫn như mời gọi.
Đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn, dai. Bên trong là hạt nhỏ màu đen nhánh, ngơ ngác như ánh mắt đen huyền của trẻ thơ. Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết, dịu mát, ăn mà thấy khoan khoái.
Chả thế mà nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết "mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi, đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho". Không phải thứ nhãn nào cũng được ưu ái và ví von với những lời hay và ý đẹp như thế.
Người xưa thường dùng nhãn lồng để tiến vua, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nhãn quý là "Nhãn lồng bổ ngập dao phay", cùi nhãn phải dày, mọng nước và nhiều mật. Người ta gọi tên Nhãn lồng vì nhiều sự tích, nhưng có lẽ cũng bởi Nhãn lồng Hưng Yên có 2 dẻ cùi lồng xếp lên nhau.
Không chỉ thưởng thức quả nhãn tươi vừa được hái trên cành mà người dân còn nghĩ ra cách làm long nhãn. Quả nhãn tươi bóc vỏ, tách riêng lấy phần thịt nhãn đem phơi khô thành những múi dẻo quánh, màu nâu sẫm, vẫn còn nguyên hương thơm và vị ngọt hắc hơn cả đường phèn. Long nhãn thường được dùng làm thuốc hoặc uống với trà.
Nguồn ảnh: vntravellive.com
Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị đặc biệt, hiếm hoi mà không địa phương nào có được. Có lẽ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho mảnh đất này trái nhãn đậm đà một dư vị khó quên.
Nhãn lồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là một nét đẹp trong văn hóa của người Hưng Yên. Trải qua bao nhiêu năm, nhãn lồng Hưng Yên vẫn gắn bó máu thịt với đời sống kinh tế và tâm linh người dân nơi đây.
Ngọc Dung