Miền Tây xưa nay nổi tiếng về các món đặc sản vùng sông nước. Sau đây, xin giới thiệu một số món ngon độc đáo của vùng đất này.
Cá lóc hấp mẻ
Trong các loài cá nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì cá lóc là đặc sản tiêu biểu nhất. Cá lóc được chế biến rất nhiều món, từ nướng, chiên, hấp, nấu canh…
Làm món này cũng khá đơn giản: bạn sử dụng cá lóc đồng khoảng 800g tới 1kg, còn sống. Hấp mẻ cũng như nướng, không cần đánh vảy, cạo nhớt, mổ bụng, hay tẩm ướp gia vị trước.
Cơm mẻ là chất làm chua từ cơm nguội cho lên men. Cơm mẻ có vị chua dịu, rất đặc trưng.
Hành cọng cắt khúc dài, sắp xuôi, hành củ cắt mỏng, lót dưới khay. Cá ngâm nước muối vài phút, rửa thật sạch, để lên trên khay. Phủ một chén cơm mẻ lên mình cá, để lửa sôi liu riu. Thấy da cá nhăn nhíu lại là cá đã chín.
Món này ăn với bánh tráng cuốn tép luộc kèm rau thơm, khế xanh, xà lách, chuối chát, bún và tai heo luộc. Nước chấm có thể là nước mắm me hoặc chút cơm mẻ dầm muối ớt.
Chuột nướng chao
Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều chuột đồng. Có nhiều loại chuột như: chuột cơm to bằng cườm tay trở lại, mình nâu, ức trắng, thịt thơm, mềm, loại này chuyên ăn lúa, chuột dừa chuyên sống ở trên đọt dừa, khoét trái, ăn cơm dừa, chuột cống nhum, mình to bằng bắp tay, lông đen, thịt dẻ, ngọt, ăn lúa và khoai củ.
Chuột chế biến được nhiều món, trong đó có món chuột nướng chao rất độc đáo và hấp dẫn.
Làm món chuột ướp chao nướng vỉ cũng đơn giản. Người ta đập đầu cho chuột chết, dùng nước sôi cạo sạch lông (có nơi thui với lửa rơm), móc bỏ ruột, lấy phần gan tim, cắt bỏ đầu, để nguyên con hoặc chặt cỡ hai, ba ngón tay tùy theo chuột lớn nhỏ. Kế đến nhúng thịt vào tô chao có ướp sẵn tiêu, tỏi, bột ngọt, ít muối ăn, tí nước mắm ngon cho thơm.
Bếp than được đốt đỏ hồng. Gắp thịt chuột sắp lên vỉ nướng và trở đều. Khi thịt chuột hơi tái màu, phết thêm chao cho thấm, nướng tiếp; đợi thịt có mùi thơm và cháy xem xém là được.
Chuột ướp chao nướng vỉ chấm với nước tương dầm ớt hiểm xanh hoặc nước mắm chao ăn kèm với rau thơm, đậu bắp nướng.
Lươn ruồng sả
Lươn ruồng sả là món ít người biết nhưng khi đã ăn rồi thì sẽ rất…khó quên.
Lươn cỡ ngón chân cái người lớn trở lại, để nguyên con không mổ bụng, không cạo nhớt. Lót lá sả tươi dưới nồi, cho lươn vào, đặt lên bếp, để lửa liu riu, đậy nắp he hé.
Lươn bị nóng sẽ tìm đường thoát. Chúng chui, luồn vào lá sả để trốn. Sức nóng và lá sả sẽ làm khô sạch nhớt của con lươn.
Khi thấy da lươn nứt, có màu vàng bóng là thịt lươn đã chín. Do không mổ bụng, nên máu lươn sẽ thấm, rút vào thịt, khiến thịt lươn rất ngọt, thơm.
Gắp lươn ra dĩa có lót sả cọng và rau răm. Món này chấm với nước mắm cốt dừa.