Dế mèn sống ở chỗ đất khô và ấm trong hang đào dưới đất hoặc ở hốc thân cây mục. Mùa thu hoạch dế mèn thường diễn ra quanh năm, chủ yếu vào mùa khô nóng. Người ta tìm những lỗ hang trong đám cỏ, rồi đổ nước vào, dế sẽ bò ra. Bắt dế về, nhúng vào nước sôi cho chết, rồi vặt cánh, râu và đuôi, phơi hoặc sấy khô.
Trong y học cổ truyền, cả con dế mèn có tên thuốc là tất xuất. Dược liệu có vị mặn, cay, tính bình, vào 3 kinh bàng quang, đại tràng và tiểu tràng, có tác dụng lợi tiểu. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng dế mèn 5 con, sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, uống với nước sắc hạt bìm bìm vào lúc đói để chữa phù thũng, cổ trướng, thở dốc.
Theo kinh nghiệm dân gian, dế mèn 2-3 con nướng giòn, tán bột, rây mịn, uống làm 2-3 lần với rượu chữa bí tiểu; kết hợp lấy con dế mèn còn sống giã nát với một củ hành và ít muối, đắp vào rốn, băng lại. Dùng vài ngày đến khi đi tiểu được.
Theo tài liệu nước ngoài, dế mèn được dùng trong những trường hợp sau:
Chữa chứng nhiễm độc nước tiểu: Dế mèn 7 con, bỏ đầu, chân, rang chín, tán nhỏ, uống với rượu làm hai lần. Có thể sắc uống.
Chữa sỏi: Dế mèn 10 con, sao vàng, tán bột rây mịn; kim tiền thảo 30g, cắt nhỏ, sắc lấy nước đặc. Uống bột dế mèn với nước kim tiền thảo làm hai lần trong ngày.