|
Nuôi dế một vốn bốn lời. |
“Qua đó, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận mô hình “1 vốn 4 lời” này, từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất”, ông Đường Văn Toán, Trưởng ban quản lý Đề án cho hay.
Nghề hái ra tiền
Để bà con nông dân tin tưởng và học tập mô hình mới này, Ban tổ chức đã mời chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, làm chủ tọa buổi hội thảo. Mặc dù trời lất phất mưa nhưng vẫn có 80 chủ trang trại ở khắp các địa phương, thậm chí ở cả Hải Phòng, Tuyên Quang, Hà Nội đổ về trang trại của ông Viên Văn Ngọc ở thôn Lâm Trường (Đại Đình - Tam Đảo) tham dự.
Theo ông Hùng, ở nước ta, dế cũng như một số loài côn trùng khác như cào cào, châu chấu, sâu chít, nhộng tằm, rươi, bọ xít, bọ cạp, bọ hung, sâu đục thân, kiến..., chỉ cần nghe tên thôi, nhiều người đã ghê sợ. Thế nhưng, trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện loại côn trùng này có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe con người. Dế có thể chế biến thành các món như chiên giòn, chiên bơ, lăn bột, kho tiêu, xào mì, trộn gỏi, rim mặn, lẩu... ăn cùng với bánh phồng tôm, bánh tráng hoặc cuốn bánh tráng với rau sống. Thịt dế giàu dinh dưỡng, có vị thơm ngon, bổ dưỡng cho người già và trẻ suy dinh dưỡng. Hiện, các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ rất mạnh mặt hàng này với giá lên tới 250.000- 300.000 đồng/kg. Đáng nói là, đặc sản dế không chỉ tiêu thụ ở Việt Nam mà còn được xuất sang Trung Quốc, Thái Lan. Chính vì vậy, dế đang trở thành một trong những con nuôi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
“Ít ai ngờ rằng, lâu nay dế vốn được coi là loài vật không có giá trị thì nay trở thành con nuôi giúp nhà nông làm giàu nhanh và bởi đầu ra ổn định”, ông Hùng khẳng định.
Kỹ thuật nuôi đơn giản
Trong buổi hội thảo, ông Hùng đã cung cấp đầy đủ các thông tin cho bà con về loài vật nuôi mới này. Theo đó, dế có nhiều loại, thường sống trong tự nhiên, sinh trưởng, phát triển và sinh sản quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa. Dế có bản tính hung hăng, nhưng lại thích sống theo bầy đàn, môi trường sống đơn giản, không cầu kỳ, có thể ở hang hay trong những đám cỏ khô nên có thể tổ chức chăn nuôi công nghiệp, nhưng phải đảm bảo chuồng trại, môi trường tự nhiên thích hợp. Cũng theo ông Hùng, thức ăn chủ yếu là cỏ và cám hỗn hợp. Quan trọng là mỗi người nuôi có những bí quyết giữ cho trứng nở vào thời điểm nào mình muốn, để có sản phẩm bán ra hằng ngày.
Thùng đựng trứng dế được trải một lớp đất mịn, phun sương thường xuyên để giữ độ ẩm. Sau khoảng 2 tháng nuôi là xuất chuồng. Chỉ cần 10 cặp dế giống là có thể sản xuất hàng trăm trứng mỗi ngày.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc, số hộ đầu tư nuôi dế tăng rất nhanh, mặc dù nghề này mới chỉ bắt đầu được du nhập vào tỉnh từ năm 2003. Đến nay, toàn tỉnh có 30 hộ nuôi dế, mỗi năm trung bình các chủ trang trại có thể thu nhập vài trăm triệu đồng. Với điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho sự phát triển và sinh trưởng của vật nuôi này, bà con nông dân có thể yên tâm đầu tư chăn nuôi.
Thành Vinh